Hãy G+ và Chia Sẻ Bài Viết Để Nâng Tầm Chất Nhé Các Bạn
Trang 1 của 3 123 CuốiCuối
Kết quả 1 đến 10 của 25
  1. #1
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    4

    Lịch sử ra đời các chiến thuật kinh điển trong bóng đá

    Lịch sử ra đời các chiến thuật kinh điển trong bóng đá


    Thời của Tiki-taka

    Hơn 100 năm trước, những suy tư và ám ảnh về những tiếng tíc-tắc, tíc-tắc phát ra đều đặn từ những chiếc đồng hồ là nguồn cảm hứng để Albert Einstein tìm ra một ý tưởng vĩ đại mà cho đến ngày nay không phải ai cũng hiểu: thời gian sẽ chậm lại khi đạt đến gần tốc độ ánh sáng. Hơn 100 năm sau, tiếng tíc-tắc tíc-tắc đều đặn đó lại là nguồn cảm hứng để Andres Monte (một cố nhà báo người Tây Ban Nha) đặt tên cho lối chơi đan bóng nhịp nhàng, chính xác và đồng bộ như một chiếc đồng hồ đã giúp Barcelona và Tây Ban Nha làm mưa làm gió vài năm gần đây: Tiki-taka (tiki-taka là âm thanh tíc-tắc trong tiếng Tây Ban Nha).


    Iniesta được xem là kim phút còn Xavi là kim giây của Tiki-taka Barcelona
    Lối chơi Tiki-taka cơ bản dựa trên các yêu tố sau: sự di chuyển linh hoạt liên tục và hoán đổi vị trí cho nhau của các cầu thủ trên hàng công, đặc biệt là hàng tiền vệ, những đường chuyền ngắn qua lại giữa các cầu thủ theo mọi hướng khác nhau, kết hợp đó là những pha bật tường 1-2. Tiki-taka có sự cân bằng cả trong phòng ngự lẫn tấn công, và điều cốt lõi là tư duy ‘tôi kiểm soát bóng là tôi tồn tại’ nên các đội bóng khi chơi Tiki-taka luôn kiểm soát bóng nhiều, vì thế không cần phải chuyển thế qua lại giữa tấn công và phòng thủ. Họ kiểm soát bóng và dồn ép đến khi đối phương như lạc vào mê hồn trận và gục ngã.

    Ngược dòng thời gian, loạt bài 'Bóng Đá: Trò Chơi Bất Diệt' này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu sự ra đời và những dấu mốc lịch sử gắn liền với những sơ đồ, chiến thuật trong bóng đá từ lúc ra đời đến nay.

    Thời của bóng đá ‘rê dắt’

    Năm 1863 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử bóng đá hiện đại. Sau 6 cuộc họp diễn ra từ tháng 10 đến tháng 12/1863 tại Freemason’s Tavern (Luân Đôn, nước Anh), đại diện của một nhóm câu lạc bộ đã tiến tới thành lập Liên đoàn bóng đá Anh (FA). Điều quan trọn hơn là sự ra đời bộ luật chính thức đầu tiên của bóng đá, gồm 13 điều khoản do Ebenezer Cobb Morley soạn thảo dựa trên luật chơi bóng của các sinh viên đại học Cambridge (nên còn gọi là bộ luật Cambridge).

    Một điều thú vị là các đội bóng khi đó luôn chơi với đội hình rất nhiều tiền đạo, vì rất khó ghi bàn trong trận đấu. Luật thứ 6 trong 13 luật, qui định: khi một cầu thủ đá quả bóng, bất cứ đồng đội nào đứng gần khung thành đối phương hơn đều không được tham gia (tức là trong tư thế việt vị!). Điều này đồng nghĩa với việc những đường chuyền lên phía trước đều bị cấm. Cách tấn công khả dĩ là thi nhau rê dắt qua đối phương, mạnh ai nấy đi bóng khiến trận đấu lộn xộn như môn bóng bầu dục.

    Nhận thấy sự bất tiện này, vào năm 1866 Luật thứ 6 được thay đổi, cho phép các cầu thủ tuyến trên được nhận đường chuyền từ đồng đội nếu anh ta đứng trên ít nhất 3 cầu thủ đối phương (ngày nay là 2).

    Trận đấu quốc tế đầu tiên được ghi nhận là giữa Scotland và đội tuyển Anh tại Glasgow vào năm 1872. Tuyển Anh khi đó chủ yếu dựa vào lối đá cá nhân và khả năng rê dắt bóng, họ ra sân với đội hình 1-2-7, chỉ để lại 1-2 cầu thủ phía sau để mồi bóng dài lên cho tuyến trên đuổi theo bóng. Ở phía ngược lại, Scotland với đội hình 2-2-6 làm ngạc nhiên những người láng giềng khi triển khai những đường chuyền ngắn, họ di chuyển thành từng cặp và chuyền bóng cho nhau. Mặc dù có nhiều tiền đạo trên sân như vậy, tỉ số chung cuộc vẫn là 0-0.

    Tuy nhiên, các cầu thủ đã bắt đầu nghĩ tới các vị trí trên sân nhiều hơn nhờ vào vũ khi mới – chuyền bóng. Trận chung kết cúp FA năm 1883 đánh dấu sự kiện người Anh đã phát triển những đường chuyền dài lên tầm cao hơn. Điển hình là Blackburn giành chiến thắng dễ dàng bằng cách sử dụng những đường bóng bổng để chuyển thế tấn công từ cánh này qua cánh kia nhờ các cầu thủ giữ được vị trí trong đội hình.

    Điều này tưởng chừng đơn giản nhưng nó đồng thời dẫn đến sự ra đời của những kĩ năng mới: khả năng chuyền bóng dài, kĩ năng khống chế bóng bổng, phá hoặc cắt bóng. Ngoài ra các kỹ thuật đánh đầu, đỡ ngực, nhận bóng sống và sút vô lê cũng được bắt đầu chú trọng phát triển.

    Kim Tự Tháp (2-3-5)

    Đến những năm 1890, đội hình ưa thích ở Anh bấy giờ chính là sơ đồ 2-3-5. Mô tả hình dạng của một cái kim tự tháp, lần đầu tiên sự cân bằng trong tấn công và phòng ngự đã được chú trọng.

    Khi phòng thủ, hai hậu vệ (Right back và Left Back) sẽ đối phó với hai cầu thủ tấn công chạy cánh của đối thủ (Right Wing và Left Wing), trong khi đó 3 tiền vệ giữa (3 Half Back) sẽ trông coi 3 tiền đạo còn lại. Trong sơ đồ Kim tự tháp, cầu thủ quan trọng nhất là vị trí trọng tâm của Kim tự tháp (Center halfback) vì có vai trò phát động tấn công cho 5 tiền đạo phía trên cũng như tổ chức hàng thủ 5 người để kèm 5 tiền đạo của đối thủ.

    Luật việt vị mới và WM (1925)

    Trong khoảng thời gian từ 1880 đến 1925, do ảnh hưởng của luật việt vị thời đó nên các đội bóng vẫn luôn chơi với đội hình có 5 tiền đạo trở lên. Năm 1925 đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa của bóng đá khi luật việt vị được sửa đổi cho phù hợp hơn: cầu thủ tấn công chỉ cần đứng trên ít nhất 2 cầu thủ đối phương khi nhận bóng (thay vì 3 như trước kia) là hợp lệ. Sự thay đổi mang lại hiệu quả ngay lập tức, số bàn thắng tại Giải Hạng Nhất Anh tăng lên 40% từ 1192 bàn năm 1925 lên 1703 bàn ngay mùa giải 1926. Một con số thay đổi quá ấn tượng.

    Như vậy, việc phòng ngự phải được tăng cường hơn, và HLV của Arsenal lúc ấy là Herbert Chapman đã nghĩ tới phải tạo ra cho một chiến thuật mới. Nhận thấy mối đe dọa lớn nhất trong tấn công là vị trí trung phong (center forward), vì vậy Chapman quyết định kéo vị trí tiền vệ trung tâm (center halfback) về vị trí trung vệ (center back) để kèm tiền đạo này. Việc tạo ra vị trí này được xem là tiền đề khai sinh ra lối chơi kèm người trong bóng đá hiện đại, và sơ đồ này đã được sử dụng rộng rãi mãi đến 25 năm sau đó.

    Chapman qua đời năm 1934 nhưng trong khoảng thời gian 1927-1938, Arsenal mà ông xây dựng đã vô địch giải VĐQG 5 lần và FA cúp 2 lần. Đồng thời, WM đã trở thành sơ đồ chuẩn của các CLB ở Anh những năm 1930.

    Đáng tiếc là ở 3 kì World Cup đầu tiên trước Chiến tranh thế giới thứ 2 (1930, 1934, 1938), đội tuyển Anh vì những lí do khác nhau đã tẩy chay giải đấu không tham dự nên WM của Chapman chưa có dịp ra biển lớn.

    Ở kì World Cup đầu tiên năm 1930, hai đại diện lọt vào chung kết là Uruguay và Achentina đều vẫn còn sử dụng đội hình Kim Tự Tháp (2-3-5) vì lối chơi của người Nam Mỹ chú trọng vào kĩ thuật cá nhân hơn là đấu pháp chiến thuật.

  2. #2
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    3
    Italian metodo (2-3-2-3) – Thời của người Ý

    Vittorio Pozzo – khi còn là cầu thủ chỉ là 1 cái tên tầm thường, nhưng khi nhắc tới sự nghiệp HLV thì người Ý sẽ còn phải nhớ mãi. Tại World Cup 1934, HLV của đội tuyển Italia này đã phát minh ra một sơ đồ mới được cải tiến từ sơ đồ 2-3-5 (Danubian School) - một trường phái khi đó được đội tuyển Áo, Tiệp Khắc, Hungary sử dụng phổ biến và hủy diệt mọi đối thủ, đỉnh cao là đội tuyển Áo của HLV Hugo Meisl tại World Cup 1934 được xem là mạnh nhất châu Âu khi đó.

    Chiến thuật 2-3-5 theo trường phái Danubian thật ra chỉ khác sơ đồ 2-3-5 Kim tự tháp ở một điểm là: tất cả các cầu thủ đều sử dụng những đường chuyền sệt, không bao giờ sử dụng bóng bổng. Một điểm khác biệt đó đã tạo nên một sự thay đổi lớn trong lối chơi của các đội tuyển hùng mạnh đến từ dòng sông Danube thơ mộng những năm 1930.

    The Italian metodo (metodo trong tiếng Anh nghĩa là method) của Vittorio Pozzo chính là phiên bản ‘chỉnh sửa’ của trường phái Danubian. Do Pozzo không thể áp dụng nguyên sơ đồ Danubian vào đội tuyển của ông Italia lúc đó thiếu một cầu thủ có phẩm chất để chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm (centre half) có vai trò vô cùng quan trọng. Cầu thủ đá centre half của tuyển Ý có khuynh hướng phòng ngự nhiều hơn và không có khả năng làm bóng.

    Để giải quyết vấn đề này, Pozzo kéo 2 inside forward lui xuống để đảm nhận vai trò làm bóng của centre half trong sơ đồ Danubian. Một người không đảm đương nổi vai trò thì dùng hai người - một quyết định táo bạo của Pozzo. Đồng thời trong chiến thuật mới này, vị trí centre half cũ bây giờ có thể chú tâm vào vai trò phòng thủ hơn.

    Tổng quan, sơ đồ metodo của Pozzo đã giữ lại những yếu tố cơ bản của sơ đồ 2-3-5 (đặc biệt là trong cách phòng thủ), nhưng cách sắp xếp trên hàng công lại giống với chữ M trong sơ đồ WM của Chapman.

    Metodo đã chứng tỏ nó thích hợp một cách hoàn hảo với người Ilatia. Sơ đồ này chú trọng việc phòng ngự một cách có hệ thống hơn và đặc biệt là vô cùng hiệu quả trong những pha phản công nhanh nhờ vào nhiều cầu nối trong đội hình. Nên biết, phòng ngự phản công đã trở thành món đặc sản của người Ý trong một khoản thời gian dài.

    Lý thuyết đã được xây dựng xong, giờ là lúc ra trận. Liên tiếp trong hai kì World Cup 1934 và 1938, Metodo của người Ý đã làm mưa làm gió bằng hai chức vô địcg thế giới liên tiếp. Tại kì World Cup được tổ chức trên ngay sân nhà năm 1934, Metodo của tuyển Italia đã vượt qua Danubian 2-3-5 của Tiệp Khắc với tỷ số 2-1 trong trận chung kết. Bốn năm sau trên đất Pháp cũng là một kịch bản gần tương tự: Metodo lại vùi dập sơ đồ 2-3-5 của người Hungary với tỷ số 4-2.

    Trong lịch sử các kì World Cup cho đến hiện nay mới chỉ có hai đội từng bảo vệ được danh hiệu VĐTG: Italia (1934 và 1938) và Brazil (1958-1962). Và nếu không có chiến tranh thế giới thứ 2 xảy ra làm cúp thế giới gián đoạn 12 năm (từ 1938 đến 1950), chưa biết người Ý sẽ còn làm nên điều gì…

    Tổng kết lại trước khi chiến tranh nổ ra, bóng đá thế giới ghi nhận 3 sơ đồ cùng song song tồn tại: WM – sơ đồ tiêu chuẩn ở Anh, Italian metodo (1 phần là sơ đồ WM, 1 phần là sơ đồ 2-3-5), và cuối cùng là sơ đồ 2-3-5 Kim tự tháp vẫn còn được ưa chuộng ở Nam Mỹ, Tiệp Khắc, Hungary, Áo.

    3-3-4, Cái then cửa của người Thụy Sỹ - tiền thân của Catenaccio

    Với nhiều sơ đồ chiến thuật ra đời, vai trò vị trí của các cầu thủ trên sân cũng bắt đầu phân hóa. Tuy vậy vẫn có một sơ đồ, đúng hơn là một người đã đi ngược lại với xu hướng chung đó.

    Karl Rappan, một HLV và cựu cầu thủ người Áo nhưng đã nhiều năm thi đấu tại Thụy Sỹ muốn tạo ra một sơ đồ chiến thuật mà khi tấn công lẫn phòng thu đều huy động được số cầu thủ nhiều đối phương. Nhưng thực hiện bằng cách nào khi mà trên sân mỗi đội đều có 11 cầu thủ như nhau?

    Triết lí của Rappan là muốn hướng tới một chiến thuật linh hoạt, không cứng nhắc các vị trí trên sân và quan trọng là không phụ thuộc quá nhiều vào trình độ kỹ thuật của các cá nhân như WM. Nó đề cao tính đồng đội và đòi hỏi một nền tảng thể lực sung mãn.

    Trong tấn công, tất cả các cầu thủ trong sơ đồ 3-3-4 đều dâng lên phía trước kể cả ba hậu vệ. Trong phòng thủ, nó là sự pha trộn giữa chiến thuật phòng thủ khu vực và chiến thuật kèm người. Khi một cầu thủ bị mất bóng, tất cả 10 cầu thủ phải lui về. Bốn tiền đạo phía trên có nhiêm vụ gây áp lực để giảm nhịp độ tấn công của đối thủ. Hàng tiền vệ và hậu vệ có đủ thời gian lùi về sâu hơn, đồng thời sau đó tiền vệ trung tâm (centre half) sẽ lui về sâu hơn cả 3 hậu vệ cuối cùng để trở thành hậu vệ thòng (deep centre back). Lúc này trước mặt thủ môn đội nhà sẽ là một hàng phòng ngự hai tầng, ngoài ra còn có một hậu vệ thòng chuyên bọc lót cho hàng thủ khi họ để đối phương vượt qua. Đây cũng là điểm sáng tạo mấu chốt của Rappan. Chính vì vậy sơ đồ này được gọi là bolt (cái then cửa) hay Swissbolt hàm ý sẽ bịt kín hết mọi lối vào khung thành của đối thủ.

    Nói thì dễ nhưng áp dụng bolt vào thực tế không dễ chút nào. Các cầu thủ phải có khả năng di chuyển nhanh, linh hoạt, mỗi cầu thủ phải đa năng kiêm luôn cả nhiệm vụ tấn công lẫn phòng thủ, tất cả điều này đòi hỏi cầu thủ phải đảm bảo thể lực và sự hiểu ý với nhau. Do đó chiến thuật này đã không được nhân rộng vào thời điểm đó vì hai yếu tố: thứ nhất là nó bắt nguồn từ Thụy Sỹ - chưa phải là một thế lực trong bóng đá nên chưa được nhiều người coi trọng, thứ hai là lý thuyết khó áp dụng vào thực tế. Tuy nhiên, bolt đã khơi gợi ra ý tưởng về vị trí hậu vệ thòng rất mới mẻ cũng như là tiền đề cho Catenaccio huyền thoại của người Ý sau này.

    Đến với đấu trường Wolrd Cup, Swissbolt của Karl Rappan đã để lại dấu của mình. Chiến thắng 2-1 của Uruguay trước Brazil ở trận chung kết cúp thế giới 1950 vẫn được xem là một trong những cuộc lật đổ bất ngờ lớn nhất trong lịch sử. Năm đó người Brazil với lối chơi tấn công biến thể từ sơ đồ WM đã cuốn phăng mọi đối thủ: 4-0 trước Mexico, 2-0 trước Nam Tư, 7-1 trước Thụy Điển và 6-1 trước Tây Ban Nha. Tuy nhiên trên đường vào chung kết, có một trận họ đã không thắng được ở vòng ngoài đó là trận hòa 2-2 trước Thụy Sỹ với chiến thuật Swissbolt tài tình của Rappan.

  3. #3
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    3
    Sơ đồ 4-2-4 (Brazil 1958)

    Những điểm tinh túy nhất của sơ đồ 4-2-4 đã được các nghệ sỹ Brazil đưa lên đỉnh cao tại cúp thế giới 1958. Thật ra sơ đồ 4-2-4 với cách bố trí 2 trung phong và 2 tiền vệ trung tâm này đã xuất hiện trong lối chơi của Mighty Magyars - đội tuyển Hungary huyền thoại trước đây. Tuy nhiên hơi khó nhận ra sơ đồ đó trong cách chơi của những người Hungary vì các cầu thủ liên tục hoán đổi vị trí cho nhau. Ngược lại, tuyển Brazil bố trí đội hình đúng như sơ đồ 4-2-4, với Vava và Pele chiếm giữ hai vị trí tiền đạo trung tâm. Đối mặt với hai siêu tiền đạo như vậy, thực tế là không đối thủ nào chơi với sơ đồ một trung vệ có thể chống đỡ nổi. Trong vòng 12 tháng sau khi các vũ công Samba lên ngôi tại World Cup 1958, hầu hết các đội tuyển trên thề giới đã chuyển sang sơ đồ 4-2-4.

    Có một điểm chú ý là 4-2-4 cũng là sơ đồ đầu tiên người ta sử dụng các con số để diễn tả đội hình. Trước đây, đơn giản người ta chỉ gọi là đội hình Kim tự tháp (tức là 2-3-5) hay là WM (3-4-3) khi thảo luận. Cách bố trí đội hình bằng những con số đã giúp việc huấn luyện đơn giản và khoa học hơn.

    Lần đầu tiên sau hơn 50 năm ra đời, bóng đá hiện đại đã có một sơ đồ gồm bốn hậu vệ. Mặc dù sử dụng đến bốn hậu vệ nhưng Brazil 1958 không phải là đội bóng chuyên về phòng ngự.Điểm mấu chốt chính là nhờ vào sự cơ động của hai hậu vệ cánh. Khi tấn công, họ dâng cao trở thành 2-4-4 hay thậm chí là 2-2-6 khi cần thiết. Với tám cầu thủ tấn công, Brazil có thể xuyên thủng bất kì hàng phòng thủ nào và thực tế là họ đã thắng tất cả các trận đấu tại cúp thế giới năm đó. Một điều thú vị trong 4-2-4 của Brazil 1958 nữa là vai trò đặc biệt của tiền đạo cánh trái Mario Zagallo. Khi đối thủ có bóng, Zagallo luôn là người đầu tiên lui về hỗ trợ, với một tiền đạo rút về hàng tiền vệ, Brazil thật ra khi phòng thủ đã chuyển qua 4-3-3.


    Tuyển Brazil 1958
    4-2-4 của Brazil thành công vang dội tại Wolrd Cup 1958 vì họ có quá nhiều tài năng xuất chúng trên hàng công nên các đối thủ của họ luôn phải chịu một sức ép khủng khiếp. Ngoài cặp tiền đạo khét tiếng Pele và Vava, Brazil năm đó còn có cặp tiền vệ trung tâm nổi tiếng Didi - Zito. Trong khi đó, Garrincha và Mario Zagallo là những bậc thầy về kỹ thuật ở hai cánh. Ngoài ra, những hậu vệ cánh Djalma Santos và Nilton Santos cũng đảm bảo rất tốt giữa công và thủ. Sau chức vô địch thế giới đầu tiên của Brazil, nhiều đội bóng khác đã áp dụng theo 4-2-4 nhưng khó thành công vì thật sự sơ đồ này có một điểm yếu lớn là hàng tiền vệ quá mỏng, khi buộc phải đá phòng ngự thì vô cùng bất lợi.

    Sơ đồ 4-3-3 (1962)

    Nhận thấy điểm yếu của sơ đồ 4-2-4 ở hàng tiền vệ, World Cup 1962 là nơi chính thức trình làng sơ đồ 4-3-3 mà điển hình chính là nhà đương kim vô địch thế giới Brazil. Nhận thấy vai trò đặc biệt của Mario Zagallo, HLV của Brazil khi đó là Aimore Moreira đã quyết định rút hẳn Zagallo từ vị trí tiền đạo cánh trái về hàng tiền vệ, hình thành sơ đồ 4-3-3 cân bằng và phù hợp với xu thế bóng đá hiện đại hơn.

    Đây cũng là kì World Cup mà các đội bóng tham dự đều chú trọng vào phòng ngự nhiều hơn trước. Số bàn thắng trung bình mỗi trận đấu tại World Cup cũng bị suy giảm từ 5,38 bàn/trận xuống còn 2,78 bàn/trận trong khoảng thời gian từ 1954-1962.

  4. #4
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    1
    Catenaccio (1947)

    Sau thành công của Italian metodo, người Ý tiếp tục đi theo khuynh hướng phòng ngự và nâng nó lên một tầm cao mới trong những năm 1960: nghệ thuật phòng ngự Catenaccio.

    Chịu ảnh hưởng của sơ đồ Swissbolt, Catenaccio (trong tiếng Ý, Catenaccio nghĩa là “cái then cửa”) sử dụng ba hậu vệ chuyên đá kèm người (không phòng thủ khu vực). Hậu vệ còn lại đóng vai trò libero (‘libero’ trong tiếng Ý đồng nghĩa với ‘free’ trong tiếng Anh, nghĩa là tự do) cầu thủ này có vai trò tự do, có óc phán đoán tốt để bọc lót cho hàng phòng ngự.

    Catenaccio được xây dựng trước hết không phải để giành chiến thắng, mà là để tránh thất bại. Lúc ấy Serie A trong một khoảng thời gian dài là một giải đấu rất chênh lệch khi chỉ một vài đội bóng lớn thay nhau thâu tóm các danh hiệu năm này qua năm khác. Vào năm 1947, HLV Nereo Rocco chuyển đến dẫn dắt Triestina – một câu lạc bộ nhỏ chỉ quen với cuộc chiến trụ hạng. Không để đối thủ ghi bàn, không thua đã là một nửa của chiến thắng, Rocco quyết định áp dụng Catennacio (sơ đồ 1-3-3-3) vào đội bóng nhỏ của mình và ngay lập tức thành công một cách khó tin. Triestina đã bất ngờ giành ngôi á quân Serie A năm 1948. Và điều gì đến cũng phải đến, rất nhiều CLB khác ở Italia đã chuyển sang sử dụng lối chơi Catenaccio và biến Serie A trở thành một giải đấu đầy cam go.

    Đó chỉ là bước khởi đầu kịch tích của một trường phái nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử bóng đá. Nereo Rocco là người có công mang Catenaccio đến với nước Ý, nhưng Helenio Herrera mới là người nâng Catenaccio lên mức nghệ thuật. Với HLV huyền thoại Herrera và Catenaccio, Inter Milan bước vào những năm tháng đẹp nhất trong lịch sử câu lạc bộ, được trìu mến gọi là thời kì của La Grande Inter (Inter vĩ đại). Trong suốt thời kì tuyệt diệu đó, câu lạc bộ giành được 3 chức vô địch quốc gia vào các năm 1963, 1965 & 1966 và vô địch Cúp C1 hai lần liên tiếp các năm 1963-1964; 1964-1965.

    Rocco mang Catenaccio đến Triestian với chủ trương giúp đội bóng nhỏ này không thua trong các trận đấu. Thế nhưng sau thành công vang dội, bấy giờ các đội bóng lớn cũng sử dụng Catenaccio. Nó đã trở thành một trường phái bóng đá mới, một đặc sản của người Italia vẫn còn nổi tiếng cho đến ngày nay. Catenaccio đặc biệt cuốn hút người Ý vì nó có thể dễ dàng chuyển từ thế phòng thủ sang tấn công một cách nhanh chóng. Nên nhớ phòng ngự phản công là món đòn ưa thích của người Ý trước khi có cả Catenaccio.

    Lời cuối cùng: Catenaccio không chỉ là phòng ngự. Rất nhiều người đã hiểu sai về Catenaccio. Herrera từng nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn của tờ World Soccer: “Thế giới chỉ trích Catenaccio vì chẳng hiểu đầy đủ về catenaccio của tôi. Một số người áp dụng Catenaccio thành công, nhưng sai phương pháp. Ai dám bảo Catenaccio chỉ là phòng ngự và phản công? Catenaccio có bài tấn công hẳn hoi, thông qua 2 hậu vệ cánh. Catenaccio của tôi cho phép 2 hậu vệ cánh tự do tham gia tấn công. Hậu vệ cánh là khởi nguồn các đợt tấn công trong Catenaccio.”

    4-4-2 của người Anh (1966)

    Người Anh nhận thức được sự ra đời của libero, nhưng họ đã tạo ra một vị trí gần tương tự theo cách riêng của mình. Họ gọi cầu thủ này là Sweeper (hậu vệ quét) – người sẽ di chuyển sau lưng hàng hậu vệ để kịp thời hỗ trợ nếu có ai đó bị vượt qua.

    Có thể bạn chưa biết, nhưng 4-4-2 thành công của người Anh tại cúp thế giới năm 1966 không có chỗ cho vị trí tiền vệ cánh. Tại kì World Cup mà đội tuyển Anh lên ngôi này, HLV khi đó là Sir Alf Ramsey sử dụng sơ đồ 4-3-3 ngoài vòng bảng. Bước vào tứ kết gặp Achentina, Sir Alf Ramsey có sự thay đổi về mặt chiến thuật từ 4-3-3 sang 4-4-2. Tuy nhiên, nhận thấy hai tiền vệ cánh không phải lúc nào cũng hỗ trợ phòng ngự tốt nên ông quyết định khai tử đôi cánh, thay vào đó là các tiền vệ tấn công (attacking midfielders), chơi bó vào giữa hơn và đặc biệt là có thể chuyển về vai trò phòng ngự khi cần. "The Wingless Wonders", hay tên gọi khác là đội hình ‘chim cánh cụt’ của những Bobby Charlton, Geoff Hurst, Jimmy Greaves…đã quật ngã Achentina ở tứ kết, Bồ Đào Nha của Eusébio ở bán kết trước khi vượt qua Tây Đức ở một trận chung kết kịch tích và nhiều tranh cãi.


  5. #5
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    1
    Bóng Đá Tổng Lực (1970)

    Total Football - ‘Bóng Đá Tổng Lực’ là tên gọi một trường phái bóng đá vô cùng nổi tiếng mà trong đó một cầu thủ có thể đảm trách bất kì vai trò của cầu thủ nào khác trong đội.

    Trong Bóng Đá Tổng Lực, một cầu thủ sau khi di chuyển khỏi vị trí của anh ta sẽ được thay thế bởi một cầu thủ khác. Hệ thống này di động liên tục, không một cầu thủ nào có vai trò cố định, bất kỳ ai cũng có thể trở thành tiền đạo, tiền vệ hoặc hậu vệ. (chỉ duy nhất thủ môn là vị trí cố định)

    Sự thành công của Bóng Đá Tổng Lực phụ thuộc lớn vào khả năng thích ứng của mỗi cầu thủ trong đội, nhất là là khả năng hoán đổi vị trí cho nhau tùy vào tình huống cụ thể trên sân. Chiến thuật này đòi hỏi cầu thủ phải có khả năng chơi nhiều vị trí khác nhau do đó đòi hỏi tất cả phải có kỹ thuật cao cũng như sức bền thể lực tốt.

    Nền tảng của Bóng Đá Tổng Lực được tạo ra bởi Jack Reynolds, HLV của Ajax Amsterdam từ các giai đoạn 1915–1925, 1928-1940 và 1945-1947.

    Rinus Michels, một cầu thủ chơi bóng dưới thời Reynolds, sau đó trở thành HLV của Ajax, đã vận dụng những khái niệm đó để xây dựng nên trường phái "Bóng Đá Tổng Lực". Rinus đã áp dụng chiến thuật này cho CLB Ajax và đội tuyển Hà Lan vào những năm 1970. Nó tiếp tục được phát triển bởi Stefan Kovacs sau khi Michels chuyển đến FC Barcelona. Tiền đạo người Hà Lan Johan Cruyff là nhân vật tiêu biểu nhất trong hệ thống này.

    Khoảng trống và việc tạo ra khoảng trống là triết lí cốt lõi của Bóng Đá Tổng Lực. Hậu vệ của Ajax Barry Hulshoff giải thích cách mà đội bóng đã giành ba cúp C1 liên tiếp vào năm 1971, 1972 và 1973: "Chúng tôi thảo luận về vấn đề khoảng trốn mọi lúc mọi nơi. Johan Cruyff luôn nói về vị trí mà mọi người nên chạy đến, nên đứng lại và khi nào họ không nên di chuyển."

    Trận chung kết cúp C1 năm 1972 đã chứng minh thứ Bóng Đá Tổng Lực hoàn hảo. Sau chiến thắng 2-0 của Ajax trước Inter Milan, các tờ báo khắp Châu Âu giật nhiều tít khác nhau nhưng nội dung chung vẫn là: "Ngày tàn của Catenaccio".

    Michels được mời làm HLV của đội tuyển Hà Lan tại World Cup 1974. Hầu hết các cầu thủ của ông năm đó chủ yếu đến từ 2 CLB Ajax và Feyenoord ngoại trừ Rob Rensenbrink là đang chơi ở Bỉ và không quen thuộc với Bóng Đá Tổng Lực nhưng ông vẫn được chọn và thích nghi tốt. Trong suốt giải đấu, đội tuyển Hà Lan đã đánh bại Argentina (4-0), Đông Đức (2-0), và Brazil (2-0) để tiến đến trận đấu cuối cùng.

    Hà Lan đã tràn lên ngay từ những phút đầu trong trận chung kết với đội tuyển Tây Đức, từ pha phát động của Cruyff, trái bóng được các cầu thủ Hà Lan chuyền qua chuyền lại 13 lần trước khi trở lại chân của Cruyff. Tiền đạo này vượt qua Berti Vogts và bị phạm lỗi bởi Uli Hoeneb.

    [YOUTUBE]DsnK_4IWBWc[/YOUTUBE]​
    'Cơn lốc màu da cam' vượt lên dẫn bàn với cú sút phạt penalty thành công của Johan Neeskens chỉ 80 giây sau khi trận đấu bắt đầu và thậm chí là người Đức còn chưa chạm được vào bóng. Sang hiệp 2, Johan Cruyff bị chấn thương sau những pha chăm sóc quá kỹ càng của Berti Vogts và Tây Đức đã lội ngược dòng thành công nhờ hai bàn của Paul Breitner và Gerd Müller. (Breitner gỡ hòa trong hiệp một cũng từ cú đá penalty).

  6. #6
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    1
    Hồi xưa mình cũng làm cái topic y như này :"> Lấy tên là "Bóng đá - Sự phát triển của chiến thuật" :">

    Mọi tài liệu vẫn còn giữ y nguyên trong USB Copy một đoạn về thứ chiến thuật mình thích nhất "Catenaccio" - Phòng ngự nhưng không hẳn là phòng ngự




    Vào những năm cuối thập kỷ 40 tại Thuỵ Sĩ, một người Áo khác tên là Karl Rappan đã khai sinh ra lối phòng thủ mới mà ông đặt tên là Catenaccio. Dù nhiều tài liệu cho rằng cha đẻ của lối chơi này là HLV Helenio Herrera của Inter Milan, nhưng thực ra Herrera chỉ là người đã hoàn chỉnh và nâng lối chơi này lên một tầm hiệu quả mới. Là HLV đội tuyển Thuỵ Sĩ vào thời gian đó, Karl Rappan đã đặt thêm một hậu vệ nữa, đứng sau cùng ở tuyến phòng thủ với nhiệm vụ “dọn dẹp” tất cả những gì mà các hậu vệ phía trước mình để lọt qua. Cái tên bằng tiếng Anh “sweeper-up” đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của vai trò hậu vệ này. Hai hậu vệ phía trên (thường rất cao to) có nhiệm vụ ngăn chặn các cầu thủ đối phương, đúng với cái tên “stopper”. Xu hướng của lối chơi này là kèm người hơn là phòng thủ khu vực. Đến đầu thập kỷ 50, Inter Milan được xem là đội đã mang chiến thuật phòng thủ đổ bêtông vào Ý với cái tên “Catenaccio”, dù trên thực tế, HLV của đội Padova (sau đó sang huấn luyện AC Milan) là Nereo Rocco mới là người Ý đầu tiên áp dụng lối chơi này cho đội bóng của mình.

    Inter cử một hậu vệ đứng đằng sau tuyến phòng thủ để bằng mọi cách ngăn chặn những đường đi bóng của đối phương. Sự có mặt của “người dọn dẹp” này đã triệt tiêu sự có mặt của tiền vệ tấn công ở giữa, vị trí rất được Hugo Meisl và Vittorio Pozzo ưa thích. Chiến thuật Catenaccio này đã được Inter Milan áp dụng thành công đến nỗi không chỉ các CLB Ý học tập mà cả đội tuyển Ý cũng sử dụng từ đó. Chiến thuật Catenaccio này đã đưa việc phòng thủ trong bóng đá đến giới hạn tột cùng, phòng thủ còn nặng nề hơn cả lối phòng thủ “hậu vệ thứ 3” mà Arsenal từng sử dụng trước đó.

  7. #7
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    1
    lúc đầu e cũng đặt title giản dị vậy, nhưng lúc post sửa lại vì lỡ chém gió rồi thì chém tới tít luôn ;>

  8. #8
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    1
    Tiếp theo về những thay đổi của "Bóng đá tổng lực"




    Chiến thuật 3-5-2: Cải biên của bóng đá tổng lực

    Sau Ajax và đội tuyển Hà Lan, nhiều nước đã áp dụng bóng đá tổng lực. Tuy nhiên, nhiều HLV cho rằng chơi theo kiểu Ajax là quá phiêu lưu, hoặc cũng vì họ không có trong tay một tập thể cầu thủ tài năng, đồng đều về năng lực như Ajax, nên đã cải biên lại thành chiến thuật 3-5-2 với mục tiêu tăng cường tấn công đa dạng từ mọi hướng nhưng vẫn đảm bảo an toàn trong phòng thủ. HLV Carlos Bilardo của đội tuyển Achentina cho rằng chỉ cần 3 hậu vệ cũng đã đủ sức kiểm soát 2 tiền đạo đối phương, do đó có thể điều động một hậu vệ lên phía trước để tăng cường tấn công cũng như ngăn chặn các đợt tấn công từ ngay giữa sân. Bắt đầu từ EURO 84 và World Cup 86, rất nhiều đội đã sử dụng chiến thuật này và cũng đã gặt hái không ít thành công.

    Nếu được áp dụng đúng mức, chiến thuật 3-5-2 thể hiện tính cơ động dữ dội, cho phép các cầu thủ chơi pressing toàn sân, tranh bóng ở khắp nơi chứ không chỉ trên phần sân của mình. Lối chơi pressing toàn sân đã thể hiện rất rõ tại Đức, nhất là những đội bóng dưới sự dẫn dắt của các HLV nổi tiếng như Hennes Wesweiler và Udo Lattek. Về sau nữa, tuy có những sơ đồ chiến thuật khác như 3-4-1-2 hay 3-5-1-1 với một tiền đạo lùi phía sau 1 (hoặc 2) tiền đạo khác, nhưng đó cũng chỉ là một cải biên nhỏ của chiến thuật 3-5-2 nhằm đối phó với từng đối phương mạnh hay yếu. Chiến thuật 3-5-2 (hoặc 3-4-1-2 hay 3-5-1-1) vẫn còn được nhiều HLV trên khắp thế giới ưa chuộng cho đến tận ngày nay.
    @Ý tưởng hay mà Ghost. Phát triển thêm đi em
    @Cái của mình làm tuy lâu rồi nhưng khá là đầy đủ Dung lượng 22mb Nếu ai thích nghiên cứu thì send cho

  9. #9
    em làm tới Bóng đá tổng lực (1970) thì đuối nên tạm ngưng xem tình hình Cuba sao @@. với lại từ sau thời đó thì toàn các sơ đồ biến thể chứ không có trường phái nào mới mẻ nào lên ngôi, trong bóng đá hiện đại 1 đội bóng cũng pha trộn quá nhiều chiến thuật ngay chỉ trong 1 trận đấu, không còn nhiều đội bóng đề cao 1 triết lí riêng của mình

  10. #10
    Em thấy từ chung kết C1 2010 đến WC có lối phòng ngự tiêu cực

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •