Hãy G+ và Chia Sẻ Bài Viết Để Nâng Tầm Chất Nhé Các Bạn
Kết quả 1 đến 8 của 8
  1. #1
    Silver member
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    24

    Huyền thoại thể thao thế giới :. Kỳ I: Michael Jordan - Huyền thoại NBA

    Như có hẹn, dù hơi trễ một chút nhưng em xin lập lại topic Các huyền thoại thể thao thế giới

    Topic có thể sẽ có vài điểm trùng với topic "Các nhân vật thể thao nổi tiếng" nhưng nhìn chung em đã sàng lọc rất kỹ mới đưa bất kỳ 1 VĐV thể thao nào vào topic này, những người được cả thế giới công nhận là huyền thoại, mà khi nhắc đến họ, người ta nghĩ ngay đến môn thể thao mà họ thi đấu

    Topic sẽ ko có các huyền thoại bóng đá, trong box thỉnh thoảng cũng có thể nhắc đến bóng đá (như cái topic vòng loại Olympic được stick ở trên) nhưng với em, một người đã làm mod box này sắp được tròn 4 năm, em ko muốn bóng đá áp đảo các môn còn lại ở riêng box này, thiếu cha chi box nói về bóng đá khắp 4rum, hãy để box này 1 sự bình yên của riêng nó, thanks.

    Để tạo 1 sự khác biệt một chút cho 1 sự khởi đầu mới này

    Em sẽ làm topic này theo từng kỳ, mỗi kỳ sẽ nhắc đến một huyền thoại thể thao

    Sự sắp xếp giữa các kỳ ko phải là sự sắp xếp về độ vĩ đại của các huyền thoại (ko có bất cứ cái tiêu chuẩn nào trên thế giới này chính xác hoàn toàn để so về độ vĩ đại của các huyền thoại thể thao cả, so trong cùng 1 môn thì có thể, chứ so giữa 2 huyền thoại ở 2 môn khác nhau hoàn toàn thì đó là điều vô vị)

    Những huyền thoại được đề cập trong topic có thể đã nghỉ thi đấu, tuy nhiên cũng có cả những người vẫn còn thi đấu chuyên nghiệp (ví dụ như Michael Phelps hay Roger Federer)

    Nguồn tư liệu mà em dùng để làm topic là internet 100%, thêm mắm dặm muối chút cảm xúc cá nhân

    Hy vọng nhận được sự góp ý của mọi người để topic hấp dẫn hơn, hoặc có thể cùng em tranh luận về huyền thoại đang được cập nhật tại topic, 1 kỷ niệm, 1 thông tin về huyền thoại đó chẳng hạn , rất cảm ơn.
    Topic ko có luât no spam, nhưng hy vọng em ko phải thấy quá nhiều bài đại loại như “hay quá, cảm ơn bác, ôi ông ấy vĩ đại quá, blab la”

    Để tiện theo dõi
    Em sẽ để #1 này làm bản đồ topic

    Chỉ cần đọc bài này, mọi người sẽ biết những huyền thoại nào đã được nhắc đến ở topic.

    Kỳ I: Michael Jordan - Bóng Rổ

    View more random threads:


  2. #2
    Có thể bạn ko thường xuyên xem bóng rổ, ko coi NBA hằng ngày, ko biết Kobe Bryant là ai, LeBron James tài giỏi thế nào, nhưng nếu biết chút ít về bóng rổ, hẳn bạn phải biết ông, Michael Jordan. Cho tới giờ James hay Bryant chưa là gì nếu đứng cạnh Mike (tên thân mật fan gọi ông) , xét mọi khía cạnh lớn nhỏ.

    Do bài dài hơn 25000 char nên em chia làm 2 nhé.

    Kỳ I: Michael Jordan

    "By acclamation, Michael Jordan is the greatest basketball player of all time." - NBA.com
    God disguised as Michael Jordan - Larry Bird
    *Một vài nét tiểu sử và sự nghiệp:
    Em chỉ điểm qua vài nét quan trọng nhất trong tiểu sử và sự nghiệp thi đấu của Michael.

    Michael Jeffrey Jordan sinh ngày 17 tháng 02 năm 1963 tại Brooklyn, New York. Mẹ ông là Deloris, một nhân viên ngân hàng còn bố là James R. Jordan, Sr. một thợ sửa chữa điện tử
    Ngay từ khi Michael chưa biết đi thì gia đình ông đã chuyển đến định cư lâu dài ở Wilmington, Bắc Carolina.
    Lớn lên, Michael theo học ở trường trung học Emsley A. Laney của Wilmington.
    Trong thời gian học ở đây, Michael đã thử nhiều môn thể thao kể cả bóng chày và bóng bầu dục. Năm 15 tuổi ông quyết định chọn bóng rổ để định hướng tương lai của mình, và phấn đấu kiếm một suất học bổng thể thao để được vào thẳng Đại học sau này. Lúc đầu Michael ko được các tuyển trạch viên để ý do anh hơi ... lùn (1m80), nhưng chỉ 1 năm sau, Michael đã cao 1m90 và anh được nhận vào đội bóng rổ của trường trung học. Tài năng nhanh chóng bộc lộ, Michael Jordan lọt vào đội hình ngôi sao bóng rổ cấp 3 nước Mỹ với thành tích đáng nể, 20 điểm/trận trong 2 mùa chơi bóng cho đội bóng rổ của trường, thành tích của Michael ở đội hình ngôi sao này cũng rất đáng nể (hơn 29 điểm trung bình trận).
    Năm 18 tuổi, Michael được nhận thẳng vào đại học Bắc Carolina (Chapel Hill) khoa địa lý văn hoá, tất nhiên Michael cũng được nhận vào đội bóng rổ của trường đại học này. Thành tích thi đấu của Michael ở giai đoạn này cũng rất tốt, giúp anh sinh viên địa lý giành được giải thưởng Naismith, giải thưởng dành cho cầu thủ trẻ xuất sắc nhất tại môi trường đại học, chính lúc này Michael đã ra quyết định sẽ đi theo con đường VĐV bóng rổ chuyên nghiệp.
    Năm 1984, bước ngoặt đến với Michael Jordan (và cả đội Chicago Bulls), Michael tham dự NBA Draft năm 1984, Michael Jordan lọt vào mắt xanh của tuyển trach viên Chicago Bulls. Michael chơi cho Bulls 1 mùa rồi trở lại đại học Bắc Carolina năm 1986 để hoàn thành chứng chỉ tốt nghiệp của mình ở đây.

    *Sự nghiệp bóng rổ chuyên nghiệp:

    Ngay ở mùa đầu tiên chơi cho Chicago Bulls (1984-1985), Michael Jordan đã thể hiện rõ, anh sẽ là ngôi sao NBA trong tương lai gần với thành tích 28,2 điểm/trận, ngay lập tức trở thành ngôi sao của đội tuyển bóng rổ bang Illinois.

    Mùa thứ 2 khó khăn đến với Michael khi anh dính 1 chấn thương rất nặng, gãy chân và chỉ chơi được có 18 trận ở giai đoạn Regular, tuy vậy Chicago Bulls vẫn vào được loạt PlayOffs còn Michael vẫn là tay ghi điểm số 1 của đội với thành tích 22.7 điểm/trận. Loạt PlayOffs Chicago Bulls thua trắng 0-3 trước Boston Celtics (Đội sau này thành nhà vô địch NBA 1986) nhưng riêng Michael vẫn thể hiện 1 phong độ khủng khiếp, với việc ghi trung bình 43.7 điểm/trận (trong đó đáng chú ý, Game 2 Michael ghi tới 63 điểm, đây vẫn là kỷ lục ghi điểm trong 1 trận đấu chính thức của NBA tính đến lúc này, năm 2011)

    Mùa thứ 3 chơi cho Bulls, Michael bắt đầu tiến vào con đường trở thành huyền thoại, anh trở thành VĐV bóng rổ thứ 2 trong lịch sử NBA ghi được trên 3000 điểm trong 1 mùa thi đấu, người còn lại chính là Wilt Chamberlain, siêu sao NBA giai đoạn 50,60. Tuy nhiên một lần nữa Chicago lại thua Boston 0-3 ở vòng 1 PlayOffs năm 1987 (Boston sau đó vào CK thua Lakers). Thành tích ghi điểm mùa này của Jordan là 37.1 điểm/trận với tỉ lệ ném bóng thành công là 48,2%. Lần đầu tiên Michael lọt vào đội hình NBA All-Star First Team, nhưng anh chỉ về nhì trong cuộc bình chọn MVP (sau Magic Johnson).

    Mùa thứ 4, mùa 1987-88, Michael Jordan tiếp tục dẫn đầu danh sách ghi điểm với thành tích 35 điểm/trận và tỉ lệ ném bóng thành công đã lên tới 53,5%. Ngoài ra Michael còn giành được giải thưởng cầu thủ phòng ngự của mùa giải. Chicago Bulls đã biết đến chiến thắng đầu tiên tại vòng Play Offs kể từ khi có Mike, khi họ hạ Cleveland 3-2 ở vòng 1, tuy nhiên sau đó Chicago cũng sớm bại trận 1-4 trước Detroit. Mặc dù vậy, đây vẫn là 1 mùa giải thành công của Michael khi anh giành được MVP đầu tiên trong sự nghiệp, lúc đó anh 25 tuổi.


    Michael Jordan với danh hiệu MVP đầu tiên trong sự nghiệp
    Mùa giải sau đó, Michael tiếp tục là vua ghi điểm ở NBA với 32,5 điểm/trận, 8 rebounds và 8 assist trung bình trận. Chicago Bulls có bước tiến lớn khi vào được trận CK miền Đông sau khi đánh bại Knicks và Cavaliers tại những vòng trước đó. Tuy nhiên một lần nữa, Chicago lại bại trận trước Detroit, đội sau đó vô địch NBA 1989 sau khi hạ Lakers tuyệt đối 4-0 trong trận CK.
    Điểm nhấn chú ý của mùa giải 1988-89 với Michael chính là pha ghi điểm được chính NBA sau này bình chọn là pha ghi diểm hay nhất mọi thời đại giai đoạn 50 năm từ 1947 đến 1997. Pha buzzer beater lịch sử trước Craig Ehlo của Cavaliers ở vòng 1 PlayOffs.


    The Shot- pha ghi điểm số 1 trong top 50 NBA 1947-1997
    Khi Jordan nhận bóng từ vạch biên, thời gian trận đấu còn 3.3 giây và Cleveland đang dẫn Chicago 88-89. Jordan rất nhanh chóng để tìm cách thoát khỏi sự truy cản của Ehlo và theo 1 số nhận định thì anh có vẻ đã gạt tay cầu thủ số 3 đội chủ nhà ra. Khi đạt được góc ném thoải mát nhất, Số 23 nhảy bật lên cao và giữ được trên không trung 1 khoảng không rơi xuống đất. Ehlo nhảy truy cản sau nhưng có thể thấy rõ ràng là anh là người tiếp đất trước Michael. Bóng lắc nhẹ rổ trước khi 2 điểm quyết định được tính cho Bulls. Nhiều người đã ví von rằng Mike đã được Không trung níu giữ đủ thời gian cần để hoàn thành cú ném đó.

    Mùa thứ 6 (1989-1990) Michael chơi cho Chicago Bulls, đội bóng rổ bang Illinois có 2 sự bổ sung chất lượng Scottie Pippen và Horace Grant, và đặc biệt với sự xuất hiện trên băng ghế chỉ đạo là HLV mới Phil Jackson. Mike tiếp tục thể hiện một phong độ tuyệt vời với 33.6 điểm, hiệu suất 52,6%, 6.9 rebounds và 6,3 assist trung bình trận. Chicago Bulls có 55 trận thắng ở mùa này và một lần nữa họ vào CK miền Đông, và một lần nữa bại trận trước đối thủ Detroit Pistons.

    Nhưng mùa giải đó như 1 tiền đề cho sự thăng hoa của Chicago Bulls và Michael ở mùa sau. Mùa thứ 7 chơi cho Chicago Bulls, Michael vẫn giữ phong độ cực kỳ tuyệt vời anh có 31,5 điểm, hiệu suất thành công 53,9%, 6 rebounds, 5.5 assist trung bình trận. Và lần đầu tiên sau 16 năm tham dự NBA, Chicago Bulls được tận hưởng hương vị của nhà vô địch. Với sự hỗ trợ của Pippen, Jordan đã cùng Bulls đánh bại 2 đối thủ là New York Knicks và Philadelphia 76ers để tiến tới trận chung kết- 1 lần nữa với Detroit (lần thứ 3 liên tiếp 2 đội này gặp nhau ở CK miền Đông).


    Chiến thuật "Jordan's Rules" của đội Badboys Pistons
    Các cầu thủ Pistons đã từng vận dụng thành công chiến thuật “Jordan’s Rules” nhằm triệt tiêu cảm xúc của cầu thủ số 23 vài năm trước nhưng lần này thì họ đã không thể. Jordan và Chicago đã thể hiện 1 phong độ tuyệt vời khi đánh bại Pistons với tỉ số 4-0 và sau trận Chung kết Miền này, tất cả các cầu thủ Pistons đã lặng lẽ ngồi im tại phòng thay đồ thay vì chúc mừng chiến thắng của Jordan. Bulls đã tiến như 1 con bò tót hung hãn nhất và đã đánh bại Los Angeles Lakers 4-1 tại loạt Finals để lần đầu tiên lên ngôi tại NBA. Tất nhiên mùa này Michael nhận MVP, MVP thứ 2 của anh trong sự nghiệp.


    Chức vô địch đầu tiên
    Sự thống trị tiếp tục tái diễn tại mùa 1991-1992 khi Bulls kết thúc mùa giải chính thức với 67 trận thắng- đứng đầu giải. MVP lại một lần nữa thuộc về anh với 30,1 điểm, 6,4 rebounds và 6,1 assist trung bình trận. Tiếp tục thành tích ấn tượng tại loạt playoff với chuỗi 7 chiến thắng nối qua 2 mùa trước cùng 1 đối thủ New York Knicks, vượt qua tiếp Cleveland Cavaliers tại trận Chung kết miền Đông, Jordan và đồng đội tiến thẳng tới loạt Finals, nơi họ gặp siêu sao Clyde Drexler của Portland Trail Blazers. Cuộc đối đầu giữa Mike và Clyde diễn ra rất căng thẳng, và với 6 cú 3 điểm cùng 35 điểm ghi được trong 2 hiệp thi đấu đầu tiên của trận game 3 diễn ra ở Chicago, Jordan đã khiến cả thế giới phải để ý tới mình. Sau trận đấu, Bình luận viên Marv Albert chỉ còn biết mô tả về cầu thủ số 23 thế này: “Đơn giản là tôi không tin là tôi đang được bình luận cho 1 trận đấu với 1 cầu thủ như vậy”. Jordan kết thúc loạt Finals với tổng tỉ số là 4-2 với 35,8 điểm- 4,8 rebounds và 6,5 assist. Lần thứ 2 những cư dân của thành phố Chicago được sống trong niềm hân hoan.


    6 cú 3 điểm trong 2 hiệp đầu tiên- chức vô địch NBA 1992
    32,6 điểm, 6,7 rebounds và 5,5 assist trung bình trận quả là 1 thành tích cực tốt cho bất kì ai nhưng điều đó vẫn khiến Jordan không được vui vì nó vẫn thua thành tích của người bạn thân Charles Barkley- chủ nhân của MVP mùa giải 1992-1993. Cả 2 anh đều là linh hồn của đội bóng mình và cũng là đối thủ của nhau tại loạt Chung kết năm 1993. Tuy những người làm nên sự kiện chính ở những phút cuối (pha block của Horace Grant hay pha nhảy ném quyết định của John Paxson) đều không phải mang cái họ Jordan nhưng chính Mike bằng một phong độ khủng khiếp-41.0 điểm trong 6 trận game Finals- mới là người được đánh giá cao nhất. Anh cũng là người đầu tiên trong lịch sử NBA có 3 chức vô địch liên tiếp từ sau thời của Bill Russell (phải 7 năm sau các cầu thủ Lakers mới tái lập được kì tích này). Anh cũng là người duy nhất tại thời điểm đó có 1 loạt những series ghi trên 30 điểm- trong đó có 4 trận liên tiếp ghi trên 40 điểm- quả là 1 thành tích cực kì đáng khâm phục. Ở thời điểm này, đã có rất nhiều người nghĩ rằng Jordan muốn dừng lại và có lẽ cũng đúng là như vậy khi anh đã chuẩn bị cho những thử thách ngoài bóng rổ.


    Jordan và người bạn thân-Charles Barkley tại NBA Finals 1993
    Sau 1 cuộc cãi vã về trò đánh bạc cho chính tương lai của mình của những kẻ lắm mồm, Jordan quyết định nghỉ hưu sớm ở tuổi 30 vì anh cho rằng mọi người đã rất thiếu tôn trọng bản thân anh. Cả NBA rung động.

    Vào ngày 6/10/1993, Jordan quyết định họp báo công bố mình sẽ nghỉ hưu, cắt đứt niềm đam mê với trái bóng cam. Anh quyết định điều này vì sau khi người cha của mình bị bắt cóc và giết hại vào ngày 23/6/1993 tại Lumberton, North Carolina bởi 2 kẻ khốn nạn vị thành niên là Daniel Green và Larry Martin Demery. Chúng đã đòi 1 khoản tiền chuộc sau khi bắt ông James Jordan và sau khi biết mình không thể tránh khỏi vòng lao lý thì chúng đã hành động. Cùng với việc thông báo quyết định giải nghệ vì quá đau buồn sau cái chết của người cha, Jordan cũng quyết định lập Câu Lạc bộ “Boys and Girls” và đổ sức lực giúp đỡ quỹ này như ước nguyện của người cha kính yêu.

    Trong cuốn tự truyện được xuất bản năm 1998 mang tên “Viết cho tình yêu Bóng rổ”, Jordan tiết lộ rằng anh thực ra đã muốn giải nghệ từ hè năm 1992- sau khi Dream Team- đội tuyển Mỹ đăng quang tại Olympic Barcelona. Anh hiểu rằng mình đã có đủ những gì cần phải có của 1 cầu thủ bóng rổ- Nhẫn NBA, MVP, Huy chương Olympic, Tiền bạc, danh vọng, 1 gia đình hạnh phúc. Tuyên bố giải nghệ của Jordan đã là 1 cú shock cực lớn không chỉ cho Bulls mà còn ảnh hưởng tới cả danh tiếng của NBA và nó dĩ nhiên là 1 đề tài nóng được các báo khai thác triệt để.


    Michael Jordan và bóng ... chày
    Jordan bắt đầu cuộc sống không bóng rổ với việc tham gia tập luyện cùng đội bóng chày Chicago White Sox-1 đội thể thao có cùng chung 1 chủ sở hữu với Chicago Bulls. Sau 1 thời gian tập luyện thì anh đã được đôn lên đội chính và ngày 31/3/1994. Anh nói rằng sở dĩ anh chọn bóng chày là vì ước muốn của cha anh- 1 khi rời xa trái bóng rổ. Mặc dù vậy, Jordan không thành công lắm trong vai trò của 1 cầu thủ bóng chày và anh đã phải chia tay với môn thể thao này sau 1 thời gian ngắn.


    Chỉ 2 từ: I'm back
    Mùa 93-94, một Bulls – không Jordan đã kết thúc mùa giải với thành tích 55 thắng-27 thua, dừng bước tại vòng 2 trước New York Knicks- đây cũng là lần duy nhất Knicks đánh bại được Bulls trong 4 lần đối đầu thời gian này. Tới mùa sau, tình hình có vẻ tồi tệ cho Bulls khi họ mất hết sức chiến đấu vào đầu năm mới và không thể giữ được nhịp độ vào tháng 2 nữa. Đội bóng có thành tích 31 thắng 31 thua từ giữa tháng 3 và chỉ có khoảng 10% cơ hội lọt vào Playoff. Giữa lúc khó khăn này, 1 lời đề nghị được đưa ra từ người đàn ông 32 tuổi. Jordan đã chính thức trở lại- chỉ bằng 2 từ ngắn gọn trong 1 cuộc họp báo: “I’m back”. Trong trận đấu đầu tiên sau gần 2 năm xa bóng rổ, anh đã mang số áo 45 và ghi được 19 điểm trước Indiana Pacers. Với phong độ của mình thì Jordan đã vực Chicago dậy và lại một lần nữa đánh bại New York Knicks cũng như Atlanta Hawks trước khi để thua Orlando Magic tại Chung kết miền Tây. Mặc dù vậy, người ta vẫn cho rằng phong độ của Jordan sau khi trở lại vẫn rất tuyệt vời và gần như không có sự khác biệt nào sau 2 năm nghỉ chơi bóng rổ.

    Mùa 1995-96, mùa giải thứ 11 mà Michael Jordan chơi cho Bulls Jordan tự hứa với mình rằng anh không còn trẻ nữa để có thể sửa chữa những sai lầm một cách dễ dàng như cách đây 1 vài năm. Anh đã tập luyện hăng say với mục tiêu duy nhất là phải đem được thêm về cho mình 1 chức vô địch nữa. Đội bóng đã có sự bổ sung là Dennis Rodman- siêu sao Rebound và hoàn thành mùa giải với thành tích số 1 trong lịch sử: 72 thắng 10 thua. Với 30,4 điểm, anh lại 1 lần nữa đoạt MVP mùa giải. Bulls của anh chỉ thua có 3 trận trong cả series tiến tới Finals trước khi đánh bại Seattle Super Sonics để lần thứ 4 lên ngôi.


    Jordan tại NBA Finals 1996
    Mùa 1996-1997, Bulls chút nữa đã lặp lại thành tích vĩ đại của mùa trước khi kết thúc mùa giải chính thức với 69 trận thắng. Dù vậy, chẳng có lí do gì khiến Jordan phải buồn vì đội bóng của anh lại 1 lần nữa đánh bại Jazz của Karl Malone- MVP mùa giải năm đó. Lại một lần nữa, khả năng ghi điểm tại những giây cuối- như đã làm với Cleveland trong quá khứ- được tái lập. Với 1 trận đấu game 5 tuyệt vời sau khi dính 1 trận cúm cực nặng, Jordan đã ghi 38 điểm để giúp Bulls có một lợi thế rất đáng kể trước game 6. Sau đó lại là 1 trận thắng để đời với tỉ số 90-88 khiến ước mơ của Jazz tan vỡ…


    "Flu game" nổi tiếng
    Mùa 97-98, Bulls kết thúc mùa giải với 62 thắng và 20 thua, và họ lại một lần nữa tiến tới NBA Finals sau khi bỏ lại một Indiana Pacers của siêu sao Reggie Miller trong 1 game 7 cực kì gay cấn. Đối thủ lần này lại là Jazz. Vào ngày 14/6/1998, Jordan đã đưa Bulls lên dẫn 4-2 sau khi thể hiện 1 trong những cú “clutch” ấn tượng nhất trong lịch sử NBA Finals. Sau khi bị dẫn 86-83 và còn 40 giây, Phil Jackson gọi 1 timeout. Sau khi hội ý, Jordan nhận bóng từ ngoài sân, hướng trái bóng tới trực diện rổ Jazz và thực hiện pha lên rổ trước sức ép của … 4 cầu thủ Jazz xông vào kèm anh. Tỉ số là 85-86 nghiêng về Jazz. Sau đó, Karl Mallone có bóng hơn và 10 giây còn lại nếu tỉ số được giữ nguyên thì 2 đội sẽ bước vào game 7. Nhưng Jordan, bằng sự tinh quái cộng thêm sự giúp đỡ từ Dennis Rodman- đã cướp được bóng trong tay của Karl và tổ chức 1 đợt phản công mới. Bóng được giữ trong tay anh đến khoảng 4 giây trước khi anh đảo nhẹ người, loại bỏ hậu vệ Byron Russell của Jazz và cứa nhát dao quyết định ở 5,5 giây. Nỗ lực của Jazz trong thời gian còn lại không thể ngăn được Jordan có được chức vô địch thứ 6 với Chicago- và đồng thời cũng là MVP Finals thứ 6 cho riêng anh. Trận chung kết game 6 NBA cho đến giờ vẫn giữ được kỉ lục là 1 trận chung kết nghẹt thở nhất mọi thời đại và có số lượng khán giả theo dõi trên toàn thế giới kỉ lục.


    The Last Shot- 1 pha buzzer nổi tiếng khác tại NBA Finals 1998
    Sau cú ăn ba thứ 2 này, hàng lọat trục cột của Bulls đã ra đi: Phil Jackson tìm đến Lakers-mang theo Dennis Rodman; ngôi sao Scottie Pippen thì sang 1 đội bóng mới. Cùng với việc nhàm chán trong thi đấu và cuộc đình công đầu năm 1999 của giới cầu thủ, Jordan quyết định giải nghệ lần 2 vào ngày 13/1/1999.

    Mặc dù người ta đã thấy anh tuyên bố rằng “chắc chắn tới 99,99%” sẽ nghỉ chơi NBA, nhưng vào mùa hè 2001, báo chí bắt đầu thấy Jordan bắt đầu tập luyện để chờ dịp trở lại. Anh đã dành cả mùa hè đó để tập luyện ở nhà thi đấu và với cương vị chủ tịch phụ trách chuyên môn, anh đã mời được cựu HLV Bulls là Doug Collins về với đội bóng Thủ đô.

    Vào ngày 25/9/2001, Jordan tuyên bố chơi cho Wizards, thời hạn hợp đồng không xác định mà tuỳ vào điều kiện của bản thân mình. Với 1 chấn thương ở đầu gối khiến anh phải nghỉ thi đấu sau 60 games tại mùa 2001-2002, mặc dù vậy anh vẫn ghi được trung bình 22,9 điểm, 5,2 assist và 1,42 rebounds 1 trận- dẫn đầu các số liệu cá nhân của đội bóng.

    Mùa 2002- 2003, mùa cuối cùng trong sự nghiệp bóng rổ chuyên nghiệp của Mike, với việc ghi được điểm thứ 14 trong trận NBA Allstar game, Jordan chính thức vượt qua Wilt Chamberlain để trở thành cầu thủ ghi điểm số 3 mọi thời đại của NBA. Mặc dù đã ở tuổi…40 nhưng anh vẫn có 20 điểm, 6,1 rebounds và 3,8 assist trung bình trận, hiệu suất ghi điểm đạt 45%. Anh vẫn giữ được phong độ ổn định với 42 trận ghi trên 20 điểm, 9 trận ghi trên 30 điểm và 3 trận ghi trên 40 điểm. Và đó cũng là những thành tích cuối cùng mà Huyền thoại này đạt được. Trận đấu NBA cuối cùng trong sự nghiệp của anh được diễn ra vào ngày 16/4/2003 tại Philadelphia với 13 điểm và sau khi nghe Mike tuyên bố chắc chắn rằng đây là trận cuối cùng, các khán giả ở đây đã hô vang: “Chúng tôi vẫn muốn Mike!” một cách đầy tiếc nuối.

    Vào tháng 6/2009, Jordan cùng với David Robinson, John Stockton và HLV Jerry Sloan được vinh dự lưu danh mãi mãi tại Naismith Hall of Fame. Điều này là hết sức đơn giản vì theo thông lệ, khi cầu thủ đã giải nghệ hơn 5 năm thì anh ta sẽ được đề cử vào Nhà lưu danh còn Jordan thì rõ ràng là đã được đưa vào Nhà lưu danh của lòng người hâm mộ từ rất lâu rồi.

    Với những thành tích đã đạt được, đi đến đâu Jordan cũng được người hâm mộ chào đón. Vào mùa 2002-2003, khi Washington Wizards đến làm khách tại United Center- sân nhà cũ của Mike, các khán giả ở Chicago đã dành ra 4 phút chỉ để hô vang tên anh. Vào ngày 11/4/2003, CLB Miami Heat đã quyết định từ nay trở về sau không có 1 ai được mang áo số 23- cho dù Mike chưa hề chơi tại CLB này. Năm 1999, anh được kênh truyền hình thể thao nổi tiếng ESPN bình chọn là “Vận động viên Bắc Mĩ vĩ đại nhất thế kỉ 20″ và đứng thứ 2 sau Babe Ruth trong danh sách các vận động viên thế kỉ của AP.Số áo 23 mà anh đã mang trong hầu hết sự nghiệp cũng đã là 1 ám hiệu cho gần như tất cả các đội bóng NBA và nói chung, mỗi khi có 1 ngôi sao nào mới nổi, dư luận chắc chắn sẽ có những sự so sánh với Jordan.

    *
    Khi chàng trai Michael Jordan bước ra sàn đấu tại Madison Square Garden để chơi trận đấu đầu tiên tại NBA, có lẽ không ai nghĩ tới việc chỉ 1 vài năm sau này, chính cầu thủ trẻ này lại có được 1 tương lai sáng lạng đến vậy. Sau khi Jordan ghi tới 63 điểm trước Boston Celtics vào năm 1986 ở tuổi 23, huyền thoại Larry Bird đã phải thốt lên: “Chúa đã biến Ngài thành Jordan mất rồi…”.

    Jordan đã dẫn đầu danh sách ghi điểm NBA trong 10 mùa giải, san bằng kỉ lục 7 mùa giải liên tiếp đạt được danh hiệu này của tiền bối Wilt Chamberlain. Và với những thành tích cá nhân tuyệt vời như đã liệt kê, thật không khó để anh có tên tại nơi trang trọng nhất trong cuốn Kỷ yếu 50 năm NBA. Trong sự nghiệp của anh thì đâu chỉ những con số mới làm nên sự ghi nhận đó. Người ta còn nhớ đến anh bởi những pha ghi điểm quyết định- như đã làm với Utah Jazz cả 3 trận game 6 trong 3 năm liên tiếp với những khó khăn đầy mình. Sự thừa nhận đó cũng là động lực vươn lên của các cầu thủ trẻ, của những cậu bé nghèo khổ đang chơi bóng rổ tại những khu ổ chuột và cũng là cái để các BLV đưa ra so sánh khi có bất kì 1 ai đủ tài năng để có thể thay thế Jordan trong tương lai. Tương lai thì chưa biết được, nhưng hiện tại thì …

    *Vài nét ngoài bóng rổ:
    Cuộc sống riêng:


    Mike thời trung học và mẹ Deloris
    Michael là con thứ 4 trong 5 anh em. Anh có 2 anh trai,1 chị gái trên mình và 1 người em gái nữa tên là Roslyn. Anh trai James của Mike đã có 1 thời gian chơi bóng rổ bán chuyên nghiệp và mang áo số 45(chính vì vậy nên Mike không thể mặc số này- và khi vào Bulls thì anh đã lấy 45:2 để lấy số áo 23). James Jordan Jr. phục vụ trong quân đội Hoa Kỳ đến năm 2006 thì nghỉ hưu.

    Michael thành hôn với Juanita Vanoy vào tháng 9/1989, họ có 2 con trai là Jeffrey Michael, Marcus James và 1 con gái là Jasmine. Vào ngày 4/1/2002, Mike và Juanita đã đâm đơn li dị nhau và anh đã phải cắt đi 1 nửa số tài sản của mình cho vợ theo phán quyết của toà án. Mike không chấp nhận và sau rất nhiều vụ xét xử lại, thì vụ việc đã kết thúc vào ngày 29/12/2006 với kết quả là Juanita nhận được 168 triệu $ tiền mặt- đây cũng là vụ li hôn có số tiền đền bù kỉ lục của 1 ngôi sao Mỹ.

    Cậu con trai lớn của Mike là Jeffrey đã tốt nghiệp cấp 3 vào năm 2006 và hiện đang là sinh viên năm cuối của trường Đại học Illinois. Cậu cũng từng là thành viên đội bóng rổ trường Đại học này nhưng sẽ không nối nghiệp cha mình mà thay vào đó là học lên cao hơn tại Đại học Florida sau khi tốt nghiệp Đại học Illinois.

    Ông chủ
    Jordan đã muối mặt rời Washington sau khi bị ông chủ Abe Pollin cho ra rìa vì thành tích yếu kém trong cả quản lý lẫn dẫn dắt đội bóng. Sau khi Jordan đi, Washington bổ nhiệm Ernie Grunfeld và ông này đã cùng với Wizards có được 6/9 mùa có Playoff. Điều này chứng tỏ 1 điều là không phải 1 cầu thủ giỏi nào cũng sẽ trở thành 1 quản lý giỏi. Anh tìm đến Charlotte-1 thành phố gần với Wilmington nơi anh lớn lên. Đội bóng khá rệu rã mặc dù đã có những ngôi sao như Gerald Wallace hay Emeka Okafor. Anh dần đóng góp tiền vào đội bóng và dần dần tạo được sự tín nhiệm của các ông chủ. Đầu năm 2010, sau 1 cuộc thương thảo, anh và công ty của mình đã mua lại được số cổ phần đủ để nắm quyền quản lý trực tiếp đội bóng. Charlotte được đầu tư hơn trước và đã lọt vào Vòng 1 Playoff sau 5 năm vắng bóng nhưng dễ dàng để thua Orlando Magic. Sau đó, tại mùa giải 2010-2011, khi đi qua được hơn 20 trận, Jordan đã quyết định sa thải HLV giàu kinh nghiệm Larry Brown và bổ nhiệm Len Bias cho tới cuối mùa.

    Thương hiệu Jordan
    Jordan không chỉ là 1 siêu sao bóng rổ mà còn là cỗ máy in tiền vĩ đại nhất trong lịch sử. Khi ở đỉnh cao, anh là nhân vật quảng cáo của 1 loạt các thương hiệu như Nike, Coca-Cola, Chevrolet, Gatorade, McDonald’s, Ball Park Franks, Rayovac, Wheaties, Hanes, và MCI.


    Air Jordan-series huyền thoại
    Một trong những sản phẩm liên quan đến tên tuổi anh mà thành công nhất phải nói là nhãn hiệu giày Air Jordan. Nó được Nike phát triển đến mọi quốc gia mà hãng thể thao này có mặt với 1 logo có tính phổ biến nhất mọi thời đại mang tên “The Jumpman” (theo 1 cuộc khảo sát thì có tới 90% người chơi bóng rổ đều đã ít nhất 1 lần nhìn thấy và nhận ra thương hiệu này). “Air Jordan” cũng là nhà tài trợ chính cho hàng loạt đội bóng rổ thi đấu tại giải NCAA- giải đấu cấp cao nhất trình độ Đại học ở Mỹ.

    còn tiếp

  3. #3
    Bài 2 ta sẽ điểm qua thành tích và thống kê sự nghiệp của Mike.

    *Những giải thưởng thành tích cá nhân:
    Jordan đã đoạt rất nhiều giải thưởng trong sự nghiệp thể thao đầy vinh quang của mình.

    - 2 Huy chương vàng Olympic 1984 và 1992
    - 6 chức vô địch NBA
    - 5 lần đoạt danh hiệu MVP mùa giải do NBA fans bình chọn
    - 7 lần đoạt giải MVP Mùa giải do tạp chí Sporting News bình chọn
    - 10 lần đạt số điểm cá nhân cao nhất của mùa giải
    - 14 lần được bầu vào vị trí chính thức trong trận NBA All star
    - 3 lần đoạt giải NBA All-Star Game MVP
    - 11 lần được bầu vào đội hình tiêu biểu của mùa giải
    - 9 lần được bầu vào đội hình Phòng ngự của mùa giải
    - Tân binh xuất sắc nhất mùa giải 1984
    - Cầu thủ Phòng ngự của mùa giải 1988
    - Vô địch Slam Dunk 1987, 1988
    - Cầu thủ xuất sắc nhất giải bóng rổ cấp Đại học do ACC Freshamn tổ chức năm 1982
    - Câu thủ xuất sắc nhất giải bóng rổ cấp đại học do USBWA tổ chức -1984
    - Cầu thủ xuất sắc nhất cấp độ Đại học được trao bởi quỹ Naismith-1984
    - Giải thưởng John R. Wooden 1984
    - Vô địch cúp Aldolf Rudd 1984
    - Vận động viên thể thao của năm do tạp chí Sport Illustrated bình chọn năm 1992
    - 1 trong 50 cầu thủ NBA xuất sắc nhất mọi thời đại sau cuộc bình chọn nhân kỉ niệm 50 năm thành lập giải NBA-1996
    - Cầu thủ bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại do tạp chí Slam bình chọn năm 1996
    - Vận động viên thể thao vĩ đại nhất thế kỉ 20 do tạp chí ESPN bình chọn năm 1999

    *Thống kê cả sự nghiệp:








    *Nguồn: tinbongro, wikipedia & basketball-reference.com

  4. #4
    công nhận xem jordan sướng thật, mỗi tội là cứ trận nào M.J xuất thần quá y như rằng Bulls lại thua

  5. #5
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    7
    Khoái mỗi mấy đôi giầy cùa chú ấy

  6. #6
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    7
    Nghe danh Jordan đã lâu!

  7. #7
    Junior Member
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    7
    cho em hỏi 1 chút về luật bóng rổ hôm nay xem trận bóng rổ tự nhiên lúc hết giờ syria dc cộng 3d trong khi bóng vẫn nằm trong tay đội arap là thê nào vậy hay bị phạt về lỗi gì

  8. #8
    Silver member
    Ngày tham gia
    Feb 2016
    Bài viết
    1
    Bạn nói rõ xem trận nào, thời điểm nào, thuộc giải nào, hoặc chí ít là được phát trên kênh thể thao nào ?

    Nói ko ko vậy đố ai biết mà trả lời bạn nếu ko coi trận đó

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •